(KGO) - Hơn 18 năm qua, nhiều hộ dân ấp Thạnh Tiến, xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) gắn bó với nghề làm lu xi măng. Từ nghề này, nhiều hộ gia đình tăng thêm thu nhập.
Theo đồng chí Lê Thanh Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang), nghề làm lu xi măng tại ấp Thạnh Tiến đã có trên 18 năm. Nhiều hộ gia đình được thế hệ trước truyền nghề, có gia đình có 3 thế hệ làm lu xi măng. Nghề làm lu xi măng giúp nhiều hộ gia đình tại ấp Thạnh Tiến phát triển kinh tế.
Để làm ra lu xi măng hoàn chỉnh phải trải qua nhiều khâu như trộn nguyên liệu, tô xi măng, tha hồ dầu…, mỗi thợ phải nắm rõ các bước và khéo léo để làm ra sản phẩm chất lượng.
Với kinh nghiệm trên 15 năm làm lu xi măng, anh Trịnh Văn Thao, ngụ ấp Thạnh Tiến, xã Đông Thạnh cho biết: “Để tạo ra hai lu xi măng cần khoảng 4 bao xi măng, cát và đá bụi khoảng nửa khối. Trong quy trình làm lu xi măng, điều cần quan tâm nhất là phải đặt đáy lu ở vị trí có nền bằng phẳng, không thì đáy lu sẽ dễ bị nứt và không sử dụng được”.
Anh Nguyễn Duy Linh, ngụ ấp Thạnh Tiến, xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) cạy nắp lu lấy khuôn sau khi lu xi măng được phơi khô.
Nghề làm lu xi măng không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cần chịu khó và tỉ mỉ với công việc. Theo anh Nguyễn Duy Linh, ngụ ấp Thạnh Tiến, xã Đông Thạnh gia đình anh có nhiều năm làm lu xi măng.
“Cha tôi học nghề từ ông nội và truyền nghề lại. Đến nay, cha tôi vẫn làm công việc này và mở cơ sở bán lu xi măng tại nhà. Tôi được cha dạy cách làm lu xi măng như tô xi măng lên khuôn hay để đáy lu ở vị trí nào cho phù hợp; từ đó tôi theo nghề đến nay”, anh Linh nói.
Hàng tháng, cơ sở sản xuất lu xi măng của anh Linh bán ra thị trường khoảng 50-80 cái. Trung bình lợi nhuận hàng tháng cơ sở làm lu xi măng của gia đình anh Linh 5-10 triệu đồng. Nghề làm lu xi măng còn tạo thêm việc làm cho 1-2 người lao động địa phương.
Anh Trịnh Văn Thao, ngụ ấp Thạnh Tiến, xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) kiểm tra lu xi măng trước khi giao cho khách hàng.
Hiện nghề làm lu xi măng gặp khó do giá cả nguyên vật liệu ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ không còn dồi dào. Đồng chí Lê Thanh Tài cho biết: “Hiện xã Đông Thạnh tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện để ấp Thạnh Tiến phát triển nghề làm lu xi măng; phấn đấu phát triển làm nghề làm lu xi măng trở thành làng nghề, vừa góp phần phát triển kinh tế vừa giữ gìn nghề truyền thống. Xã đang tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp như thành lập tổ hợp tác và mô hình chi hội nghề nghiệp hỗ trợ người dân giảm chi phí vận chuyển, từ đó nâng thu nhập của các hộ làm lu xi măng”.
Bài và ảnh: THÚY ANH